Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Dương Quang
Đông y dương quang - Vững vàng sức khỏe

BÀN LUẬN VỀ VẬN DỤNG ĐẶC SẮC CHÂM CỨU “THƯƠNG HÀN LUẬN”

24/03/2023
Châm cứu chiếm một vị trí nhất định trong các phương pháp điều trị bệnh của “Thương hàn luận”, trong đó có 36 điều trình bày về châm cứu, nội dung có liên quan đến biện chứng, dự phòng, điều trị, điều trị sai, cấp cứu và tiên lượng, có tầm hiểu biết đặc sắc, là bộ phận quan trọng của tư tưởng học thuật và kinh nghiệm y học của y gia Trương Trọng Cảnh.

Châm cứu là một phương pháp điều trị bệnh đặc biệt dưới sự chỉ đạo của lý luận Y học cổ truyền, do đó, phương pháp sử dụng Đông dược và châm cứu vốn thống nhất với nhau về biện chứng và điều trị, nguyên lý và phương pháp. Tư tưởng học thuật của các phương pháp này xuất phát từ các tác phẩm y thư cổ điển. Tư duy học thuật về châm cứu trong “Thương hàn luận” được kế thừa từ “Nội kinh” và “Nạn kinh”. Căn cứ vào các học thuyết về tạng phủ, kinh lạc, âm dương ngũ hành, các bệnh của lục kinh được kết hợp chặt chẽ với phương pháp biện chứng về tạng phủ, kinh lạc, khí huyết, bát mạch, tiến hành phân tích về căn nguyên, tính chất, bệnh vị, thời gian, mức độ và xu hướng của bệnh tật được phân tích rõ ràng, sau đó mới xác định phương pháp và lấy huyệt điều trị. Một vài tổng kết:

(1)Các Điều bàn về châm cứu trong “Thương hàn luận” trình bày tư tưởng “trị vị bệnh”, chẳng hạn như điều 8, châm cứu phòng tránh bệnh tà chuyển biến từ kinh mạch thái dương qua dương minh, qua đó xác lập nguyên tắc điều trị quan trọng cho các y gia hậu thế.

(2) Các Điều bàn về châm cứu trong “Thương hàn luận” làm rõ quy luật cơ bản của châm cứu điều trị bệnh. Bệnh tà lưu tại tam dương kinh, ngoại tà sơ trúng, chính khí vị suy, thuộc thực nhiệt chứng thì thích hợp tiến hành CHÂM trị, chẳng hạn như các Điều 8, 24, 108, 109, 142, 143, 171, 216. Tam âm kinh khởi phát hư hàn chứng, dương khí suy nhược, chứng thuộc một vài kinh mạch mà âm dương đều hư, bệnh tình nguy cấp thì thích hợp CỨU trị, chẳng hạn như, các Điều 292, 304, 325, 343, 349, 362. Tóm lại, bệnh thuộc tam dương kinh thì thích hợp châm trị, bệnh thuộc tam âm kinh thì thích hợp cứu trị. Ngoài ra, Điều 308 cho thấy, bệnh thuộc thiếu ấm nhiệt hóa thì cũng có thể châm trị, điều này đã thể hiện được sự linh hoạt vận dụng trong thực tiễn lâm sàng.

(3) Các Điều bàn về châm cứu trong “Thương hàn luận” làm rõ nguyên tắc cơ bản về phương pháp lấy huyệt trong châm cứu, tuần kinh lấy huyệt, chẳng hạn như các Điều 108 và 109, triệu chứng tuy khác nhau nhưng bệnh cơ đều tại can, do đó đều lấy huyệt mộ của can để điều trị. Phương pháp này đã trở thành nguyên tắc lấy huyệt và phối huyệt trong châm cứu điều trị của các y gia hậu thế. Từ các trình bày về kinh lạc mà không trình bày về huyệt vị trong các Điều 8, 292 và 343 mà có thể thấy được tư tưởng học thuật biện chứng kinh lạc trọng tại kinh lạc, hình thành nên nguyên tắc lấy huyệt “ninh thất kỳ huyệt, vật thất kỳ kinh” (không cứng nhắc lấy huyệt vị cố định mà cần phải bám sát các kinh mạch) của các y gia hậu thế. Ngoài ra, nhằm khuếch đại phạm vi điều trị, đặc biệt sử dụng các huyệt vị đặc định. Trong đó sử dụng các huyệt phong trì, phong phủ, đại chùy, kỳ môn, phế du, can du. Từ Điều 24 và 117 có thể thấy rằng, bên cạnh nhấn mạnh phân tích bệnh tình tổng thể, còn chú trọng lấy huyệt cục bộ, đặt nền móng cho các nguyên tắc “dĩ thống vi du” và “huyệt a thị”.

(4) Các Điều bàn về châm cứu trong “Thương hàn luận” giải thích rõ nguyên tắc bổ tả. Căn cứ vào đặc điểm biện chứng lục kinh, bệnh chứng tam dương kinh thì thích hợp sử dụng châm pháp, tả pháp, chẳng hạn như các Điều 143 và 216, đều thuộc thực nhiệt chứng, do đó đều châm huyệt kỳ môn mà vận dụng nguyên tắc “thực tắc tả”; bệnh chứng tam âm kinh thích hợp sử dụng cứu pháp, bổ pháp, chẳng hạn như Điều 292 và 325, đều thuộc thiếu ấm hư hàn chứng, do đó tiến hành cứu trị mà vận dụng nguyên tắc “hư tắc bổ”.

5) Các Điều bàn về châm cứu trong “Thương hàn luận” làm rõ nguyên tắc trị bệnh cầu bản. Chẳng hạn như các Điều 108, 109, 142, 143, 216 lần lượt lấy ví dụ về các chứng can mộc khắc tỳ thổ và can mộc phản khắc phế kim, thái thiếu tịnh bệnh mà xuất hiện xuất hãn, phụ nữ ngoại cảm mà nhiệt nhập huyết thất và dương minh phát bệnh khiến nhiệt nhập huyết thất; Thông qua phân tích bệnh tuần kinh biện chứng, mà thấy được bản chất của bệnh nằm tại can, do đó trong điều trị đều lấy huyệt mộ kỳ môn của can mà tiến hành điều trị, thể hiện nguyên tắc “dị bệnh đồng trị”. Qua đó cho thấy đặc điểm điều trị bệnh chứng của châm cứu, nhấn mạnh tầm quan trọng của bệnh chứng kinh lạc, làm nổi bật nguyên tắc “trị bệnh cầu bản”.

Tóm lại, các phương pháp chọn kinh, lấy huyệt và phương pháp châm cứu được trình bày trong các Điều bàn về châm cứu trong “Thương hàn luận” đều phù hợp với quan điểm: “phàm dùng thích giả, hư tắc bổ chi, thực tắc tả chi, uyển trần tắc trừ chi, tà thịnh tắc hư chi” trong “Linh khu – Cửu châm thập nhị nguyên”. Các Điều bàn về châm cứu trong “Thương hàn luận” đã thể hiện đầy đủ tính linh hoạt và phạm vi ứng dụng rộng rãi của châm cứu điều trị, thiết lập nên khuôn mẫu cho các y gia hậu thế, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của các học thuyết châm cứu sau này, cung cấp sơ sở lý luận vững chắc và các kinh nghiệm lâm sàng tin cậy, mang lại cống hiến to lớn cho châm cứu học.

Biên tập lược dịch: TS.BS. Hoàng Văn Hiếu



Zalo

0985 898 380