I. Khí hậu biến hóa
Con người và tự nhiên có mối liên hệ tương hỗ tác động lẫn nhau. Chức năng điều tiết của cơ thể con người tuong hỗ thích ứng với sự biến đổi của khí hậu, một khi cơ năng của cơ thể con người xuất hiện bất thường, chức năng phòng vệ giảm xuống, thì lúc đó con người không thể thích ứng được với sự biến đổi của khí hậu tứ thời, từ đó mà khởi phát bệnh tật. Do đó, trong điều trị cần căn cứ vào thời điểm và bệnh chứng mà tiến hành châm cứu. Chẳng hạn như, vào mùa xuân dư hàn vị giải, bệnh tà thường xâm nhập tại bì mao; vào mùa hạ nóng gắt, tấu lí khai tiết, tà khí chủ yếu quy tại cơ phu, do đó thích hợp sử dụng phương pháp châm nông; vào mùa thu, thố nhiệt vị tận, lương phong sơ khởi, con người thường thích cái mát mẻ mà tà khí dễ dàng xâm nhập vào phân nhục; vào mùa đông, hàn lãnh thậm, tấu lí mật cố, tà khí xâm nhập, bệnh vị sâu tận cân cốt, do đó trong điều trị thích hợp sử dụng phương pháp châm sâu. Do đó, châm nông hay châm sâu đều cần phải căn cứ vào sự biến hóa của thời hậu.
II. Thể chất cường nhược
Khi tiến hành châm kim còn cần phải chú ý đến thể trạng của bệnh nhân, chẳng hạn như đối với bệnh nhân ở độ tuổi thanh niên khỏe mạnh, xương khớp vững chắc, da thịt đầy đặn, khí huyết sung thịnh thì thích hợp tiến hành châm sâu, lượng kích thích mạnh hoặc lưu kim, thậm chí là có thể lưu kim lâu hơn so với thường quy; nếu bệnh nhân có thể chất bình thường, không kèm theo các tình trạng đặc biệt thì có thể tiến hành châm thích thông thường; nếu bệnh nhân là phụ nữ, người cao tuổi, cân cốt lỏng lẻo, da thì mỏng yếu, khí huyết hư nhược, thì cần tiến hành châm nông, châm nhẹ nhàng và không lưu kim. Đối với các bệnh nhân có nghề nghiệp khác nhau, giới tính khác nhau, độ tuổi khác nhau, mức độ lao động khác nhau thì đều có thể trạng khác nhau, do đó trong điều trị cần phân biện rõ tình trạng thể chất, căn cứ vào từng cá thể mà tiến hành châm trị.
III. Bệnh trình dài ngắn
Trước khi châm kim, cần xem xét đến thời gian khởi phát bệnh và mức độ nặng nhẹ của bệnh tình để quyết định lựa chọn phương pháp châm thích và độ sâu châm kim; nếu bệnh trình ngắn, bệnh vị nông mà lại sử dụng phương pháp châm sâu, còn bệnh trình dài, bệnh vị sâu lại sử dụng phương pháp châm nông, thì không những không thể điều trị khỏi bệnh chứng mà ngược lại còn làm bệnh tình tăng nặng. Do đó cần phải phân biện rõ tình trạng bệnh chứng, căn cứ vào bệnh trình dài ngắn mà tiến hành châm thích hợp lý.
IV. Bệnh vị nông sâu
Khi châm kim, cần căn cứ vào mức độ nông sâu của bệnh vị mà lựa chọn châm cự hợp lý, sử dụng trường châm hay là đoản châm, sau đó căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của bệnh tình mà quyết định độ sâu châm kim và phương pháp châm kim. “Tố vấn – Thích tề” nói rằng: “Như thích cốt vô thương cân, thích cân vô thương nhục, thích nhục vô thương mạch … ” (châm xương mà không gây tổn thương cân, châm cân mà không gây tổn thương cơ, châm cơ mà không gây tổn thương mạch). Đoạn kinh văn này cho thấy châm thích cần căn cứ vào mức độ nông sâu của bệnh vị mà quyết định độ sâu châm kim, không thể rập khuôn mà chỉ sử dụng phương pháp châm sâu hoặc châm nông, những trường hợp nào cần châm sâu thì phải tiến hành châm sâu, còn những trường hợp nào cần châm nông thì phải tiến hành châm nông, bệnh vị tại biểu thì cần phải châm nông, bệnh vị tại lí thì cần phải châm sâu, tại các vị trí cơ nhục dày thì nên châm sâu, tại các vị trí bì nhục mỏng thì nên châm nông. Dương Kế Châu thời Minh nói rằng: “Phía trước sâu như là giếng, phía sau mỏng như là bánh rán”, giếng tại đây chính là chỉ vùng bụng, tại vùng bụng có thể tiến hành châm sâu, bánh rán ở đây chính là chỉ vùng lưng, tại vùng lưng cần phải châm nông, nếu không thì rất dễ gây ra tai nạn ngoài ý muốn. Tóm lại, cần phải đạt được thao tác “châm xương mà không tổn thương cân, châm nhục mà không gây tổn thương mạch”, căn cứ vào bộ vị, bệnh vị, bệnh tình mà tiến hành châm thích.
V. Liệu trình châm thích
Căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của bệnh tình, sự cường yếu của thể trạng mà quyết định liệu trình châm thích. Thông thường một liệu trình châm thích kéo dài từ 7 – 10 ngày. Sau khi kết thúc liệu trình thứ nhất thì có thể nghỉ ngơi 3 – 5 ngày sau đó mới châm liệu trình thứ hai. Ngoài ra, trong điều trị một số bệnh chứng, có thể tiến hành châm kim cách ngày, tức là hai ngày châm kim một lần, liên tục điều trị trong một tháng thì nghỉ ngơi một tuần rồi mới tiếp tục liệu trình thứ hai. Nhưng đối với một số bệnh chứng đau cấp tính, có thể tiến hành châm 1 – 2 lần mỗi ngày. Do đó cần căn cứ vào bệnh tình mà quyến định sự dài ngắn của liệu trình châm trị. Thông thường, khi tiến hành châm thích theo một liệu trình nhất định thì có thể thu được hiệu quả tương đối tốt. Thứ nhất, có thể khiến bệnh nhân tiếp nhận điều trị trong một thời gian sau đó có một thời gian nghỉ thích hợp, qua đó giúp cho thể trạng của bệnh nhân có cơ hội được phục hồi. Thứ hai, có thể khiến cho các tế bào, các mô tại vị trí châm kim có cơ hội hấp thụ huyết ứ và tổ hợp làm mới các cấu trúc bị tổn thương do châm cứu gây ra nếu có. Thứ ba, có lợi cho việc theo dõi sự biến hóa của bệnh tình. Do đó, tiến hành châm thích theo các liệu trình nhất định có sự phân chia thời gian điều trị và thời gian nghỉ ngơi, có lợi cho sự chuyến biến của bệnh tật.
VI. Bệnh chứng thích hợp (chỉ định)
Mỗi một liệu pháp đều có ưu điểm và khuyết điểm. Thông thường, liệu pháp châm cứu cho hiệu quả điều trị tốt đối với các bệnh chứng chức năng, đối với các bệnh chứng về bệnh lý cơ địa thì thường cho hiệu quả kém. Châm cứu điều trị cho hiệu quả điều trị tốt, điều này đã được công nhận rộng rãi, nhưng châm cứu không phải vạn năng. Nếu hàm hồ mà cho rằng, châm cứu có thể điều trị bách bệnh, điều này hoàn toàn không thỏa đáng, do đó cần nhìn nhận đúng về phạm vi ứng dụng của châm cứu.
Bệnh chứng thích hợp và các bệnh chứng không thích hợp (để sử dụng châm cứu điều trị) chỉ là sự hạn chế về thời gian và điều kiện mà thôi, trong một thời kỳ mà điều kiện nhất định thì mọi tình trạng đều đang biến đổi, theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật thì châm cụ cũng không ngừng cải tiến, kĩ thuật y học cũng không ngừng được nâng cao, phạm vi ứng dụng của châm cứu cũng không ngừng được mở rộng, nó sẽ không ngừng lại tại một mức độ nhất định, chẳng hạn như châm cứu có thể sử dụng trong điều trị ung thư, các bệnh chứng tim mạch và sử dụng châm cứu gây tê trong phẫu thuật. Bởi vì sự cải cách và phát triển về phương pháp châm thích và dụng cụ y khoa mà các hạng mục châm cứu trị bệnh cũng ngày càng nhiều lên, hiệu quả điều trị thu được cũng cải thiện từng ngày. Chẳng hạn như, châm điện, châm vi sóng, châm laaser, hồng ngoại và từ liệu đã thay thế cứu ngải, thay thế thao tác thủ pháp, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị. Bởi vì ứng dụng sóng âm, quang học, điện từ mà khiến cho liệu pháp châm cứu truyền thống có bước phát triển mới đồng thời đươc nâng cao về mọi mặt. Do đó, các bệnh chứng thích hợp và các bệnh chứng không thích hợp cũng chỉ là tương đối, chúng chỉ được nói đến trong một điều kiện, một thời kỳ nhất định. Tin tưởng rằng, theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, liệu pháp châm cứu cũng sẽ đạt được những bước đột phá mới. Nhất định sẽ mở ra tiền đồ rực rỡ và rộng mở hơn nữa.
Biên dịch: Bs Hiếu
0985 898 380